Thứ Tư, 27 tháng 6, 2007

Chương 12 (Ngọc Vạn)

CHUONG 12

Hoàng hậu Pha Luông vốn là một công chúa nước Lào, được gả cho vua Chey từ khi ngài còn là hoàng tử. Khi mới về Chân Lạp, bà tỏ ra hiền thục, ăn ở rất được lòng chồng. Nhưng từ khi sinh được hoàng tử Chan, hoàng hậu Pha Luông nẩy sinh lòng ích kỷ, kiêu mạn. Bà không muốn chồng mình san sẻ tình yêu với các phi tần khác. Việc này đã làm cho nhiều người không ưa bà. Đêm nào vì lý do gì mà vua không đến với bà được, bà đều vặn hỏi căn do, giận lẫy đủ điều. Những việc đó làm cho nhà vua phiền nản lắm.

Khi vua Chey sắp rước công nữ Ngọc Vạn về, hoàng hậu Pha Luông đã lộ vẻ bất mãn ra mặt. Tới khi tận mắt thấy sắc diện của nàng công nữ Đại Việt này, Pha Luông càng đâm ra sợ hãi. Bà cảm thấy địa vị mình có thể bị lung lay nên càng trở nên khó tánh. Bà rất giận dỗi khi thấy vua Chey và Ngọc Vạn gần gũi nhau. Cái khuyết điểm về tánh khí nông nổi, hời hợt dễ lộ ra ngoài của bà đã làm cho vua Chey càng khó chịu, khiến ngài ngày càng dễ xa cách bà thêm.

Đại thần Nôn San biết chuyện đó, đã tìm cách lôi kéo vị hoàng hậu này về phe mình. Thấy có kẻ ủng hộ mình, hoàng hậu Pha Luông không cần dè dặt, nóng nảy nói tuốt ra những ấm ức trong lòng. Bà thề quyết không đội trời chung với hoàng hậu Ngọc Vạn. Bà cũng đe dọa khi con bà lên ngôi hoàng đế, bà sẽ cho hoàng hậu Ngọc Vạn biết tay. Khi phe Nôn San hành động bị thất bại, những lời bà nói đều bị người ta khai ra hết. Việc ấy làm cho vua Chey giận bà lắm. Hoàng hậu Pha Luông cũng biết thế nên bà rất hồi hộp để chờ đợi sự khiển trách, trừng phạt. Nhưng không hiểu sao nhà vua tuyệt nhiên không đả động gì đến chuyện đó. Dù thế, hoàng hậu Pha Luông cũng không sao dứt được nỗi hoang mang. Tất nhiên, bà cũng không tránh khỏi phập phồng lo sợ cho thái tử Chan.

Nỗi hoang mang lo sợ của hoàng hậu Pha Luông mỗi ngày mỗi lớn. Nào mưu đồ bất chánh của Nôn San đổ bể gây tai tiếng cho bà! Nào việc nhà vua không còn đối xử mặn nồng với bà! Nhất là việc hoàng hậu Ngọc Vạn sắp đến ngày sinh đẻ! Hoàng hậu Pha Luông càng sợ, càng thất vọng, càng sinh ra quẩn trí...

Sáng kia, một nàng thị nữ bưng nước rửa mặt vào cho bà thì thấy bà dáng vẻ bơ phờ, có lẽ do mất ngủ. Bà ngồi một mình, đang nói lẩm bẩm gì đó. Nàng thị nữ tưởng bà nói với mình, vội thưa:
. Bẩm hoàng hậu bảo gì ạ?
Hoàng hậu nhìn quanh với cặp mắt đờ đẫn, nói:
. Nó phải sinh ra con gái! Nó phải sinh ra con gái!
Nàng thị nữ không hiểu gì ngạc nhiên thưa lại:
. Bẩm, hoàng hậu nói ai ạ?
Hoàng hậu bỗng nổi giận hất tung thau nước, nạt lớn:
. Cút đi cho khuất mắt tao!
Nàng thị nữ hoảng sợ bước ra ngoài.

Từ đó, các thị nữ lâu lâu lại nghe hoàng hậu Pha Luông nói lảm nhảm một mình, lui tới cũng chỉ một câu: “Nó phải sinh ra con gái!”.
Năm Nhâm Tuất, hoàng hậu Ngọc Vạn sinh ra được một hoàng nam rất khôi ngô. Vua Chey mừng lắm, đặt tên cho hoàng tử là To. Hình như những lo âu vướng vít trong ngài lâu nay giờ đã thật sự tan biến hết, nhà vua cảm thấy mình hạnh phúc vô ngần. Ngoài hạnh phúc gia đình, vua Chey còn coi đây như là một thắng lợi ngoại giao: Con trai của ngài cũng là máu thịt của chúa Thuận Hóa. Ngài tin tưởng rằng từ đây nếu Chân Lạp gặp nguy biến, người Việt chắc chắn sẽ hỗ trợ cho ngài mạnh mẽ hơn, sốt sắng hơn! Vua Chey cho tổ chức ăn mừng cả nước và sai sứ sang báo hỉ với triều đình Thuận Hóa.

Khi hoàng hậu Pha Luông nghe được tin này, bà nổi giận đùng đùng hét lên:
. Ta phải giết nó! Ta phải giết nó!
Rồi bà đập phá lung tung. Đập phá chán bà lại kêu gào, khóc lóc thảm thiết làm bọn thị nữ phải lo bấn lên. Nhưng vua Chey cứ làm lơ, không hỏi han đến.
Thế rồi chứng nói nhảm của hoàng hậu Pha Luông mỗi ngày mỗi tăng. Nhiều lúc bà nói xúc phạm tới cả vua Chey nữa. Vua Chey được tin ấy bảo:
. Người mẹ đã như thế thì người con không thể nào làm thái tử được!
Thế là nhà vua xuống chiếu truất ngôi thái tử Chan.

Vua Chey không ngờ với việc làm ấy, ngài đã gây một hậu quả nghiêm trọng. Hoàng hậu Pha Luông càng nổi chứng bất thường dữ dội khi nghe tin con mình bị truất ngôi thái tử. Vào một buổi sáng sớm, mấy thị nữ bỗng phát giác ra vị hoàng hậu của mình đã chết cứng trên giường ngủ.
Các quan ngự y được lệnh vua khám nghiệm tử thi người xấu số kết luận rằng Hữu hoàng hậu qua đời vì bị trúng phong.

Ngược lại, có nguồn dư luận bên ngoài lại cho là bà đã tự tử bằng thuốc độc. Cũng có nguồn tin khác cho rằng bà đã bị đầu độc, nhưng người ta không đưa ra nghi vấn ai là thủ phạm. Vua Chey cũng tuyệt nhiên không đưa ra ý kiến nào. Ngài chỉ ra lệnh cho triều đình làm lễ hỏa táng hoàng hậu Pha Luông đúng theo nghi thức, thủ tục dành cho một vị hoàng hậu.

Sau đó, vua Chey lại cử một vị đại thần lo việc chăm sóc, dạy dỗ cho hoàng tử Chan.
Phần đông thiên hạ cho rằng cái tính cả ghen, ích kỷ của hoàng hậu Pha Luông đã dẫn bà đến chỗ tự hại chính mình.
Cũng từ đó, dưới triều vua Chey chỉ còn một mình bà Ngọc Vạn giữ ngôi vị hoàng hậu.

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2007

Chương 11 (Ngọc Vạn)

Sau khi thoát cơn nguy biến, hoàng hậu Ngọc Vạn trở về cung với một khối tâm tư rối bời. Bà đâu có ngờ mình lại gặp người xưa trong một tình huống đặc biệt như thế! Ta lại mang thêm của chàng một món nợ lớn nữa: nợ sinh mạng, nợ danh dự! Nếu không có chàng xuất hiện kịp thời, thân phận ta sẽ đi về đâu? Đối với một lũ người trong đầu óc chất chứa tham vọng và hận thù, khi đã nắm được sinh mạng ta trong tay, ai đoán được họ sẽ hành động ra sao? Mà tại sao chàng lại có mặt ở đây để cứu ta? Và tại sao một kẻ thư sinh lại trở thành một kẻ võ nghệ cao cường đến thế? Phải chăng vì tình yêu của chàng đối với ta? Tại sao chàng lại xuất hiện đúng lúc như thế? Phải chăng lâu nay chàng vẫn âm thầm theo dõi ta? Ôi tình yêu! Tình yêu của chàng to lớn đến thế sao? Một mối tình lớn như thế mà ta đành để lỡ làng, thật cũng đáng tiếc hận! Chỉ vì lo phục vụ quyền lợi tổ quốc, ta đã hi sinh cả tình yêu đôi lứa, cả tuổi trẻ!

Trải qua một thời gian, hoàng hậu Ngọc Vạn đã thi hành nhiệm vụ do cha mình giao phó khá suông sẻ. Bà đã vận động đưa được hàng ngàn dân Đại Việt sang Chân Lạp làm ăn, trước là giải quyết được nạn nhân mãn cho đất nước, sau là tạo nền tảng đâm rễ mọc cành cho dân mình trên đất người. Bà đã gieo được sự tin tưởng vào lòng vị vua Chân Lạp khi nhìn về triều đình Thuận Hóa... Hiện tại, bà đang nuôi dưỡng giọt máu của vua Chey mỗi ngày mỗi lớn trong người bà. Nhưng những thành công thực tế đó bây giờ không còn làm cho bà háo hức sung sướng như thuở còn nuôi mộng ước xa xưa. Bà biết bà có tài đóng kịch, có tài chinh phục, nhưng cái tài đó đã dồn đẩy bà vào một cái thế cô đơn tuyệt đối...

Ngọc Vạn nhớ lại vụ vua Chey đến thăm bà hôm kia, khi hai người đang ngồi nói chuyện thì bỗng bà khẽ thót người nhăn mặt một cái, vua âu yếm hỏi:
. Thai quậy à? Hậu thấy bây giờ nó ra sao?
Hoàng hậu nở một nụ cười vừa hãnh diện sung sướng vừa e thẹn, một nụ cười rất hiếm thấy ở bà, bà thưa:
. Vài lần nó làm thiếp đau nhói lên. Nó đang đạp chọi đấy bệ hạ ơi!

Bà cầm tay nhà vua đặt lên bụng mình. Vua Chey sung sướng cố lắng người để cảm nhận những sự động đậy ngọ ngọe thật dễ thương của thai nhi. Rồi ngài nghiêng người áp tai vào bụng hoàng hậu để nghe ngóng một chập với nét mặt hân hoan tươi cười như một đứa bé được cho quà. Sau đó ngài xoa nhẹ bụng hoàng hậu mà nói:

. Con yêu quí, cha đang trông ngóng ngày con chào đời lắm đó! Vì con, cha sẽ cố gắng làm mọi cách để ổn định tình hình, để tăng cường sức mạnh cho đất nước. Cha mong rằng, khi con lớn và được phong vương tước, con sẽ không còn gặp những khốn đốn, những nhục nhã như cha bây giờ! Vị đại vương anh hùng tương lai của cha ơi, muôn dân sẽ hoan hô con vang dậy: “ Đại vương muôn tuổi, muôn muôn tuổi!”

Nói xong, nhà vua cười khặc khặc sung sướng. Nghe tiếng cười và lời vua Chey nói, Ngọc Vạn bỗng cảm thấy đau nhói cả lòng.
Thường khi, mỗi cái trở mình, mỗi cái co duỗi của đứa bé trong bụng bà đều nhận biết rất rõ ràng. Vài lúc nó làm cho bà thấy đau thót lên nhưng lúc ấy bà lại tìm được sự thích thú, nỗi vui mừng trong những cơn đau đó. Từ khi thai nghén cho đến giờ, mỗi lần nghĩ đến đứa con tương lai, hoàng hậu đều thấy lòng rưng rưng sung sướng. Hoàng tử sẽ đẹp đẽ, hiền ngoan, thông minh và nhân ái, xứng đáng là một mẫu người lý tưởng. Nhưng hoàng hậu chưa hề nghĩ đến ngày vị hoàng tử con mình sẽ được phong vương tước hay làm hoàng đế bao giờ.

“Nếu con ta được phong vương tước, ta sẽ được gì? Mất gì? Hiện tại trên danh nghĩa, Pha Luông cũng như ta đều là hoàng hậu. Pha Luông được ưu thế có một con trai đã được phong thái tử, nhưng ta lại được ưu thế trẻ và đẹp hơn. Vua Chey còn đó thì sự cân bằng vẫn còn đó. Pha Luông là quốc mẫu thì ta cũng là quốc mẫu.”

“Nhưng sẽ có một ngày – ngày thái tử Chan lên ngôi hoàng đế, lúc ấy địa vị ta còn vững chắc không? Khi đó Pha Luông mới chính là thái hậu quốc mẫu, còn ta bất quá chỉ còn là mẹ một vị thân vương! Liệu ta còn cơ hội để tiếp tục thực hiện những ước nguyện đối với tổ quốc Đại Việt nữa không?”

“Mẹ của một vị thân vương ư? Đó chỉ là đầu mối của bao nhiêu nguy hiểm đối với bản thân ta thôi! Pha Luông sẽ đối xử với ta như thế nào? Ta nghĩ rằng Pha Luông khó mà để cho ta sống yên được! Gặp trường hợp ta, ta cũng sẽ xử sự như thế thôi. Và địa vị con ta cũng sẽ lâm vào thế bấp bênh nguy hiểm! Kinh nghiệm qua chuyện ông Trịnh Kiểm và ông Nguyễn Uông đâu đã xa gì, lẽ nào ta lại không biết? Vậy bây giờ ta phải làm thế nào?”

Trong chốc lát, vẻ tươi cười trên khuôn mặt hoàng hậu Ngọc Vạn đã biến hết, chỉ còn lại vẻ buồn muôn thuở, bà nói với vua Chey:
. Bệ hạ muốn cho hài nhi thành một vị anh hùng được dân chúng ngưỡng mộ ư? Thiếp không mong thế, thiếp chỉ mong nó sẽ là một kẻ kém cỏi tầm thường thôi!

Vua Chey tròn mắt ngạc nhiên:
. Sao hậu lại nghĩ nghịch đời dữ vậy? Con ta phải là một vị anh hùng mới được chứ!
. Tâu bệ hạ, không phải thiếp nghĩ nghịch đời đâu! Chắc bệ hạ cũng biết, xưa nay anh hùng vẫn khó dung thứ anh hùng! Thái tử Chan mà lên ngôi rồi, nếu con thiếp là một kẻ đần độn thì may ra còn được dung thứ, chứ nếu con thiếp cũng là bậc anh hùng thì làm sao nó sống nổi? Người Lào vốn không ưa người Việt, Hữu hoàng hậu há lại chịu để thiếp sống yên sao? Mai kia khi bệ hạ trăm tuổi rồi liệu mẹ con thiếp giữ mình được chăng?

Vua Chey giật mình, ngài lộ vẻ băn khoăn suy nghĩ chốc lát rồi nói:
. Làm sao có thể như thế được? Trẫm sẽ lo trước mọi điều, hậu cứ yên chí...

Hoàng hậu Ngọc Vạn nói như nhắc nhở:
. Mỗi người đều có số, thật ra thiếp có lo sợ gì cho mình đâu! Thiếp chỉ sợ vị tân vương có thể không khéo léo làm mất lòng Đại Việt mà thôi! Đại Việt mà không hậu thuẫn cho Chân Lạp thì nước Xiêm sẽ lộng hành. Khi ấy Chân Lạp có thể lâm nguy, bao nhiêu tâm huyết gây dựng lâu nay của bệ hạ biết đâu thoáng chốc trở thành số tro bụi? Bấy giờ thì ngay cả nước Lào cũng khó mà giữ được độc lập!
Lời nói của hoàng hậu Ngọc Vạn đã làm cho vua Chey bối rối. Ôi thôi, ta đã vội vã tính sai nước cờ mất rồi! Cũng chỉ vì muốn làm vừa lòng Pha Luông mà ta đã lập Chan làm thái tử! Sao ta không chờ xem hoàng hậu Ngọc Vạn sinh con trai hay con gái đã!

Trong hoàn cảnh nước Chân Lạp hiện tại, ta cần một người con lai giống Việt kế vị hơn một người con lai giống Lào! Ta rất cần sự hậu thuẫn của Đại Việt! Điều đó không phải do lòng tư vị mà vì quyền lợi tối thượng của dân tộc, của tổ quốc Chân Lạp! Nghĩ thế rồi vua Chey nói với hoàng hậu Ngọc Vạn:
. Tuy ta đã lập Chan làm thái tử nhưng đạo trời vẫn thường biến cải. Biết chừng đâu hài nhi trong bụng hậu lại không trở thành một vị vua anh hùng của Chân Lạp?

Hoàng hậu Ngọc Vạn trố mắt nhìn nhà vua. Vua Chey hiểu ý, khẳng định:
. Trẫm chưa dứt khoát chọn Chan làm người kế vị đâu! Chẳng qua là lúc bấy giờ ta chưa có đứa con trai nào khác nữa để lựa chọn thôi. Nếu ái hậu sinh được cho ta một hoàng tử thì mọi chuyện còn có thể đổi thay!
Hoàng hậu Ngọc Vạn nghe vua Chey nói như thế thì biết rằng mình đã thắng một bước. Nhưng lời ước ngụ ý về hoài bão của vua Chey ấy cũng vô tình trở thành một cú đánh động vào lòng bà: mâu thuẫn giữa quyền lợi tổ quốc và tình mẫu tử nẩy sinh! Ta đang mong chờ được một đứa bé bụ bẫm kháu khỉnh để thương yêu, để cưng chiều ư? Tất nhiên! Rồi có một ngày nào đó nó trở nên một hoàng tử tài hoa xuất chúng mà ai cũng mến mộ? Cũng tất nhiên! Nhưng khi nó thành một vị vua anh hùng thì sao? Tổ quốc Đại Việt của ta đâu có mong chờ như thế? Nó là đứa con do ta sinh ra, để yêu thương, ta cầu mong cho nó được sung sướng, được nên người... thế nhưng nếu nó thật sự thành vị vua anh hùng thì bước đường Nam Tiến của Đại Việt ta sẽ ra thế nào? Cái lối mòn ta dày công mở mang từ trước tới lúc đó liệu có tồn tại được không? Chính con ta sẽ trở thành kẻ cản đường, trở thành người thù của ta ư? Hay ta lại vì con mà trở thành người cản trở bước tiến của dân tộc ta, phản lại nguyện vọng của ông cha ta? Hoặc có khi nào vì bức thế, ta phải ra tay bóp chết hoặc dìm xuống chỗ đau khổ cùng cực cái kẻ mà ta banh da bét thịt để sinh ra và đùm bọc yêu thương vô bờ bến ấy? Túc trái tiền khiên chăng? Làm sao để thoát khỏi cảnh này? Nghĩ đến đó, hoàng hậu bị xúc động mãnh liệt. Bỗng nhiên bà toát mồ hôi lạnh ướt cả trán, sắc mặt tái xanh, người bà run lên... Vua Chey hoảng hốt đưa tay giữ cho hoàng hậu khỏi ngã.
. Trời ơi, hậu làm sao thế?

. Không sao, thiếp chỉ khó chịu một chút thôi!
Vua Chey liền gọi các cung nữ vào săn sóc cho hoàng hậu. Đợi đến khi thấy bà hoàn toàn trở lại bình thường vua mới cáo từ về cung của ngài. Vua vừa đi khỏi, hoàng hậu lại ôm trán nằm vật xuống giường:
. Tội lỗi, tội lỗi! – Hoàng hậu lẩm nhẩm một mình.

Lâu nay bà âu yếm với chồng, săn sóc chăm chút chồng hàng ngày, nhưng bà đâu có chút chân tình nào trong những hành động ấy? Chỉ toàn là những hành động có tính cách công thức, máy móc nếu không nói là giả dối để qua mặt! Bà nhận biết cảm giác và ý nghĩ thật của bà những khi gần gũi chồng. Ta chỉ săn sóc, vuốt ve chồng như đối với một bảo vật, một thứ đồ cổ giá trị thôi ư? Những mâu thuẫn giữa ân tình con người và quyền lợi tổ quốc đã dằn xé nhau dữ dội trong người Ngọc Vạn. Chồng bà là một vị vua tốt, hết lòng lo cho nước cho dân. Ông cũng hết lòng tin tưởng bà, hết lòng yêu thương bà. Thế mà bà rắp tâm làm kẻ lừa dối, phản bội! Một người chồng như thế xứng đáng để bà trân quí yêu thương hết mình lắm chứ! Nhưng quyền lợi tổ quốc, dân tộc đã đốt cháy rụi những chồi mầm yêu thương chân tình của bà đối với người chồng đáng thương đáng kính ấy. Nghĩ tới điều đó, hoàng hậu cảm thấy đau đớn thấm thía. Nỗi đau đó, bà đâu có thể giãi tỏ với ai được! Những thứ tình cảm ấy cứ uẩn ức dồn nén mỗi ngày một chút, làm cho bà càng thấy như trái tim mình muốn tóe máu: “Có thể có một ngày nào đó ta sẽ điên mất thôi!” Không phải bà lo sợ vớ vẩn, mà lo sợ rất thật tình.

Giờ bà chỉ mong chuộc lỗi bằng cách nhủ lòng cố gắng phụng sự chồng trọn đời một cách đúng mức. Bà mong cho người chồng đáng thương ấy khỏi thấy được những thiệt thòi do sai lầm của ông gây ra cho dân tộc ông để giảm thiểu sự đau khổ cho ông.

Rồi lớp con cháu nữa! Con cháu của vua Chey, cũng chính là con cháu của bà... làm sao tránh khỏi đi đến chỗ bị tiêu diệt? Lúc đó, dù còn ở trên đời hay không, bà vẫn không thể không bị coi là đốm lửa gốc thiêu đốt chính con cháu mình.
“Ngày xưa ta rất ghét Võ Tắc Thiên vì ngôi báu, vì quyền lực, vì mưu đồ giàu sang cho dòng họ mình mà gây ra không biết bao nhiêu tội ác, không loại trừ việc tiêu diệt chính con đẻ của mình. Ta rất ghê tởm những hành động đó. Không ngờ, bây giờ ta cũng sắp lâm vào trường hợp tương tự. Ta làm sao tránh được cảnh ăn thịt con mình như Võ Tắc Thiên?”.

Những suy nghĩ đó đã khiến cho trong từng giấc ngủ, Ngọc Vạn luôn bị những cơn ác mộng “ăn thịt con” hành hạ dày vò... Bà khổ sở vô cùng.

Cùng lúc, hình bóng người cũ Đình Huy cũng liên tục trở về khuấy động tâm tư bà. Bà rất xúc động mỗi khi nghĩ đến lòng chung thủy của Đình Huy. Ngày xưa gặp nhau bà chỉ biết chàng là một thư sinh, sao giờ đây chàng lại trở thành một kẻ vũ dũng siêu hạng như vậy? Phải chăng chàng đã vì bà mà ra công khổ luyện võ nghệ? Phải chăng chàng đã băng rừng vượt núi để tìm đến đây cũng chỉ vì bà? Thế mà bà tưởng như đã quên mất chàng bấy lâu nay! Nói cho cam, những ngày mới về nhà chồng, Ngọc Vạn cũng có nhiều ray rứt tiếc hận về cuộc tình đẹp giữa bà và Đình Huy sao quá ngắn ngủi... Nhưng rồi thời gian và công việc bận rộn phức tạp đã giúp bà tìm quên chàng dần dần. Rất ít khi Ngọc Vạn có thì giờ và cơ hội để hoài niệm chuyện cũ. Họa hoằn lắm, lòng bà chỉ xao động một chút rồi mỉm cười tự nhủ: “Chuyện thời trẻ dại có gì đâu! Không chừng nay chàng đã có vợ con đùm đề!”

Nào ngờ giờ đây, Đình Huy lại lồng lộng hiển hiện trở lại trong lòng bà với cả một gánh ơn nghĩa tái tạo lớn lao thế kia! Làm sao bà trả nổi? Liệu còn dịp nào gặp được chàng nữa không? Ôi, công danh sự nghiệp! Nó đẩy con người vào cái vòng xoáy bát quái tối tăm mù mịt rất khó lựa ra nơi nào cửa tử nơi nào cửa sanh!

“Nếu như ngày xưa... chàng đừng quá cao thượng, chàng cứ cư xử như một kẻ phàm tục với ta một tí, có thể bây giờ ta sẽ đỡ hối hận hơn không! Ta đã can đảm tìm đến với chàng tại sao ta không can đảm dấn thêm một bước nữa?”
Trong lúc hoàng hậu Ngọc Vạn đang chịu trăm mối đau khổ dày vò thì bà vú Minh Nguyệt lại qua đời. Thật là họa vô đơn chí! Người đàn bà nhiều kinh nghiệm đời, có thể chia xẽ tâm sự với bà đã bỏ bà mà đi vĩnh viễn. Thế là Ngọc Vạn càng lún sâu vào đại dương cô đơn vô tận!

Chương 10 (Ngọc Vạn)

Trước đây, hai vị đặc sứ của Thuận Hóa là Nguyễn Hữu Luân và Lê Sáng được vua Chey cấp cho một khu đất ở ngoại ô kinh thành để xây dựng nơi ăn ở và làm việc, gọi là Đại Việt doanh. Sau này, hoàng hậu Ngọc Vạn còn xin cho họ lập một xưởng thợ cạnh nơi đó để số nhân viên tùy tùng trau dồi nghề nghiệp trong những khi rảnh rỗi, hầu giúp mọi người kiếm thêm chút lợi tức cũng như gây chút quĩ phòng hờ chi dụng khi cần thiết. Nhờ sự điều hành khéo léo của quan đặc sứ Nguyễn Hữu Luân, xưởng thợ mỗi ngày mỗi tiến triển, kết quả thâu đạt cũng khả quan.
Khi Đại Việt doanh được xây cất xong, quan đặc sứ Nguyễn Hữu Luân chọn ngày tốt, chuẩn bị một buổi lễ khánh thành khá long trọng. Ông gởi thiệp mời vua và hoàng hậu cùng nhiều nhân vật quan trọng trong triều đình Chân Lạp đến dự.
Nhưng ngày khánh thành ấy lại nhằm vào thời gian vua Chey đang bệnh nặng nên ngài không thể đến dự được. Theo lệ thường thời bấy giờ, vua và hoàng hậu Chân Lạp vẫn hay đi dự lễ khánh thành một ngôi chùa lớn, một ngọn tháp thờ của một tôn giáo, một ngôi nhà làm việc của một bộ phận trong chính phủ mới xây cất... Nếu vì lẽ gì vua không đến dự được, ngài cử một viên đại thần thay mặt mình đến dự.
Trong trường hợp này, có lẽ vì Đại Việt doanh liên can mật thiết với hoàng hậu Ngọc Vạn, hoặc vì những mâu thuẫn ý kiến trong buổi chầu có vụ tranh luận gây cấn trước đây, vua Chey không cử đại thần nào mà lại cử hoàng hậu Ngọc Vạn đại diện cho mình. Thế là hoàng hậu vui vẻ chuẩn bị sẵn mấy món lễ vật để đi mừng.
Đúng ngày lễ khánh thành, vua cho một đội lính ngự lâm do viên đội trưởng Đậu Sâm chỉ huy hộ tống hoàng hậu Ngọc Vạn đến Đại Việt doanh. Hoàng hậu đi bằng kiệu do đội kiệu phu riêng khiêng, chỉ đem theo năm nàng thị nữ để sai khiến.
Đoạn đường từ hoàng thành đến Đại Việt doanh phải đi qua một rừng cây thốt nốt rậm rạp. Kiệu hoàng hậu đang qua nửa cánh rừng bỗng bị một toán người lạ mặt sử dụng dao búa thình lình ào ra tấn công dữ dội. Ngay phút đầu, bọn người lạ mặt đã hạ sát ngay hết mấy kiệu phu và mấy thị nữ. Kiệu hoàng hậu bị lật xuống bên đường. Đội lính ngự lâm chống cự dũng mãnh nhưng cũng bị cắt ra làm đôi. Hoàng hậu không còn ai bảo vệ kịp, bị hai tên giặc nhảy tới bắt nhét khăn vào miệng và lôi bừa bà chạy vào rừng. Trong cơn kinh hãi đến tột độ, hoàng hậu bỗng nghe một tiếng thét:
. Bọn nghịch tặc chớ lộng hành!
Hoàng hậu thấy một tráng sĩ bịt mặt cao lớn dũng mãnh nhảy tới đưa ngang một lát kiếm, một trong hai tên bắt bà liền gục xuống. Tên còn lại vội buông bà ra để chống cự. Người kia nói lớn:
. Hoàng hậu chớ sợ! Bà hãy tạm ở đó đợi tôi bắt sống tên này đã!
Hoàng hậu Ngọc Vạn nghe giọng nói hình như quen quen. Chỉ trong chốc lát, tên giặc còn lại đã bị tráng sĩ đánh ngất đi. Chàng rút trong túi ra một sợi dây để trói hắn lại. Hoàng hậu mừng rỡ nhưng vẫn còn run lập cập nói với tráng sĩ:
. Cám ơn tráng sĩ đã cứu mạng! Xin tráng sĩ vui lòng cho biết phương danh!
Chàng tráng sĩ bỗng lật tấm khăn bịt mặt của mình ra. Hoàng hậu thảng thốt bất giác kêu lên bằng tiếng Đại Việt:
. Trời ơi, Đình Huy chàng!
Tráng sĩ cũng nói bằng tiếng Đại Việt, chỉ đủ cho hoàng hậu nghe:
. Ấy chớ! Hãy đề phòng tên này. Phải đem nó về tra hỏi cho ra những kẻ đồng lõa trong cuộc bạo loạn hôm nay! Hoàng hậu hãy đi theo tôi, phải gởi nó cho đội lính ngự lâm.
Hoàng hậu hỏi Đình Huy:
. Làm sao chàng biết được thiếp lâm nguy ở đây mà đến cứu?
Tráng sĩ nói:
. Hoàng hậu không biết đó chớ từ sau buổi chầu mà hoàng thượng định cho phép di dân Đại Việt thành lập các đội võ trang tự vệ thì bọn người thân Xiêm liền ráo riết vận động đảo chánh lật đổ hoàng thượng đấy. Hoàng thượng lâm bệnh gần cả tháng nay đúng là cơ hội ngàn vàng của chúng. Cũng may, chúng còn ngại sự có mặt của hoàng hậu và chưa nắm vững nhân sự nên chưa dám ra tay. Chính hôm nay chúng muốn triệt hạ hoàng hậu trước đó. Chúng tôi còn tóm được mấy tên khác nữa, coi chừng kẻo chúng trốn hoặc tự tử là mất manh mối! Phải khai thác thật kỹ mà trừ tiệt gian đảng đi! Hoàng hậu cứ coi như không biết gì về vụ can thiệp của người mình vào chuyện này kẻo nhà vua có thể sinh ra điều nghi ngờ không hay.
Hoàng hậu còn bàng hoàng muốn hỏi nữa nhưng tráng sĩ đã vác tên giặc bị bắt lên vai và vẫy tay nói:
. Muộn rồi, xin hoàng hậu hãy gắng theo tôi!
Khi ra tới đường cái, tráng sĩ quăng tên tù xuống đất, nhìn trước nhìn sau rồi nói:
. Chuyện tạm yên rồi, sẽ có người tới đưa hoàng hậu về. Hoàng hậu hãy bảo trọng, xin tạm biệt!
Nói xong, tráng sĩ biến nhanh vào rừng thốt nốt. Hoàng hậu Ngọc Vạn thẫn thờ nhìn theo rồi thốt lên: “Đình Huy chàng ôi! Tại sao chàng không thong thả một chút?”
Liền khi đó, Đậu Sâm cùng mấy tên lính ngự lâm chạy lại quì xuống trước mặt hoàng hậu:
. Chúng thần làm nhiệm vụ bảo vệ không tròn để cho hoàng hậu phải kinh hãi thật đáng tội chết! Cúi xin hoàng hậu tha tội!
Hoàng hậu an ủi:
. Bọn nghịch tặc hung dữ xuất hiện bất ngờ quá làm sao các ngươi đề phòng kịp! Hãy đem tên này về cho triều đình điều tra để tìm manh mối lũ phản nghịch! Chúng ta thiệt hại nhân mạng có nhiều không? Các ngươi có bắt được tên nào nữa không?
Đậu Sâm thưa:
. Bẩm hoàng hậu, có ba kiệu phu, hai thị nữ, hai lính ngự lâm, cả thảy bảy người bị giết. Ba kiệu phu, ba lính ngự lâm và hai thị nữ khác bị thương. Bọn giặc chết hơn hai mươi đứa, còn bao nhiêu chạy thoát cả. Chúng thần có bắt sống được hai tên nữa đang trói ở đằng kia. Bọn giặc hung dữ lắm, nhưng may có một bọn dũng sĩ bịt mặt thình lình xuất hiện tiếp tay cho chúng thần, nếu không, có lẽ chúng thần bị thảm bại mất!
Hoàng hậu nói:
. Thôi, chúng ta thu xếp mà trở về. Hãy cẩn thận coi chừng mấy tên tù và lo gấp cho những người bị thương. Còn những người không may thiệt mạng thì người của triều đình sẽ đến lo tính bây giờ.
*
Buổi sáng ấy, tại Đại Việt doanh, hai ông Nguyễn Hữu Luân và Lê Sáng đã niềm nỡ đón tiếp nhiều vị quan khách Chân Lạp. Đã tới giờ ấn định cử hành lễ vẫn chưa thấy hoàng hậu Ngọc Vạn, vị khách danh dự, đại diện cho vua Chân Lạp đến. Chính sứ giả của nhà vua đã thông báo việc hoàng hậu Ngọc Vạn sẽ thay mặt nhà vua trong lễ khánh thành này cho quan đặc sứ Nguyễn Hữu Luân, làm sao có thể sai hẹn được! Thời gian cứ trôi qua, trôi qua! Cử tọa mỗi lúc mỗi bồn chồn nôn nóng, bàn tán xôn xao. Quan phó tướng Lê Sáng nóng ruột bèn sai hai binh sĩ cỡi ngựa đi thăm dò tin tức. Sau đó, hai kỵ binh được sai đi phi ngựa nhanh như gió trở về báo:
. Bẩm đại quan, hoàng hậu Ngọc Vạn trên đường đến dự lễ khánh thành Đại Việt doanh đã bị bọn thảo khấu phục kích tấn công!
Các quan Đại Việt cũng như Chân Lạp đều hoảng hốt nhốn nháo hỏi:
. Thế hoàng hậu có sao không? Bây giờ ngài đang ở đâu?
. Bẩm, nhờ phước đức hoàng thượng, hoàng hậu may mắn được bảo vệ an toàn và đã trở về hoàng cung. Đội lính ngự lâm hộ tống hoàng hậu đã anh dũng đánh tan tác bọn giặc. Hơn hai mươi tên giặc bị giết, ba tên bị bắt sống đã giải về để điều tra.
Viên đại thần Nôn San vừa nghe hai tên lính báo xong, mặt xanh như tàu lá, ông nắm lấy vai người lính giật giật mấy cái mà hỏi:
. Chính tai mi nghe rõ như thế chứ? Mi có thấy gì không? Hoàng hậu thoát được tai nạn trở về bình yên thật chứ?
. Dạ bẩm, con nghe nhiều người nói như thế.
Quan đặc sứ Nguyễn Hữu Luân nghe báo xong, lật đật bước ra xin lỗi quan khách:
. Kính thưa quí vị quan khách, đáng lẽ chúng tôi làm lễ khánh thành cho Đại Việt doanh hôm nay, nhưng đáng tiếc, một sự cố bất ưng to lớn đã xảy ra. Chúng tôi cũng như quí ngài đâu còn bụng dạ nào để tiếp tục dự lễ khánh thành nữa! Chắc chắn quí ngài lúc này ai cũng nóng ruột và cần thì giờ để lo những việc cần kíp khác. Vả lại, nếu chúng ta vui vẻ trong lúc này là mang tội với triều đình, với nhà vua và nhị vị hoàng hậu. Vậy, chúng tôi kính xin lỗi quí vị quan khách được tạm đình hoãn lại việc này. Hẹn sẽ mời quí vị trở lại trong một dịp thuận tiện khác!
Thế là chủ khách chia tay, các quan hấp tấp kéo nhau ra về.
*
Cái hung tin về một nhóm nghịch tặc dám phục kích tấn công Tả hoàng hậu làm cho vua Chey giận điên lên. Dù trời đã chiều và bệnh chưa lành hẳn, nhà vua cũng gượng dậy ra triều đường làm việc. Nhà vua hỏa tốc xuống lệnh cho hoàng thân Nặc Nậu, đại thần Mông Cun và đại thần Nôn San lập tức mở phiên họp tìm cách điều tra mấy tên tội phạm.
Nhận được lệnh vua, hoàng thân Nặc Nậu và đại thần Mông Cun liền đến công đường ngay. Riêng viên đại thần Nôn San không thấy đâu hết.
Đợi đại thần Nôn San mãi vẫn bặt tăm hơi, hai ông Nặc Nậu và Mông Cun bèn cho người đến tư dinh ông này để hỏi. Người nhà Nôn San cho biết ông đã đi dự lễ khánh thành Đại Việt doanh từ buổi sáng và giờ này vẫn chưa thấy về.
Vậy là hai ông Nặc Nậu và Mông Cun bèn một mặt cho người trình lên vua việc ấy, mặt khác, phối hợp với nhau tiến hành công việc được vua giao phó.
Nhờ khai thác những bằng chứng qua sự nhận diện các xác chết và sự tra vấn ba tên giặc bị bắt sống, triều đình Chân Lạp đã biết được âm mưu phản nghịch ấy do chính viên đại thần Nôn San cầm đầu.
Nôn San đã lợi dụng cơ hội vua Chey đau nặng, chỉ huy đồng đảng cố tranh thủ thời gian hoạt động ráo riết nhằm mục đích lật đổ ngài. Chúng tuyên truyền vua Chey quá đắm say sắc đẹp của hoàng hậu Ngọc Vạn cho nên đã bị Thuận Hóa xỏ mũi bảo gì làm nấy. Chúng cố tình bắt cóc hoàng hậu Ngọc Vạn để đặt điều kiện với vua Chey hoặc giết đi để gây mâu thuẫn giữa Oudong và Thuận Hóa. Nôn San đã tuyển lựa được một đội cảm tử gần năm mươi tên để thực hiện cuộc phục kích này. Ông cầm chắc họ dư sức áp đảo làm tê liệt đội lính ngự lâm của nhà vua trong chốc lát. Không ngờ sự xuất hiện đột ngột của nhóm dũng sĩ lạ mặt đã làm cho tình thế hoàn toàn bị đảo ngược.
Hôm ấy Nôn San đến dự lễ khánh thành Đại Việt doanh với lòng khấp khởi vui sướng. Ông chỉ đợi cái tin hoàng hậu Ngọc Vạn bị toán người lạ bắt cóc loan ra và triều đình hoảng hốt rối loạn là tùy cơ ứng biến hành động. Trong khi mọi người hồi hộp trông ngóng hoàng hậu Ngọc Vạn từng phút thì Nôn San thoải mái tủm tỉm cười thầm. Tới khi hai tên kỵ binh của phó tướng Lê Sáng báo tin biến cố đã xảy ra một cách rõ ràng ông vẫn còn ngỡ ngàng chưa tin rằng mình đã thất bại. Nôn San cẩn thận hỏi kỹ càng từng tên lính do thám xong mới chịu tin. Thế là ông không dám về nhà nữa. Lợi dụng lúc mọi người đang xôn xao chộn rộn, ông một mình một ngựa tìm đường trốn sang Xiêm.
Nôn San đã cầm đầu tổ chức phản nghịch ấy với sự bảo trợ của người Xiêm. Tại triều đình Chân Lạp cũng còn có khá nhiều nhân vật lớn nhỏ liên hệ với Nôn San. Để gây thêm thanh thế và cô lập hoàng hậu Ngọc Vạn, phe Nôn San còn tìm cách liên kết với hoàng hậu Pha Luông nữa. Không biết có hưởng ứng âm mưu đảo chánh không, nhưng vì thù ghét hoàng hậu Ngọc Vạn, hoàng hậu Pha Luông không ngần ngại mạt sát thậm tệ bà này. Vụ việc ấy cuối cùng cũng lọt đến tai vua Chey làm cho ngài giận lắm. Từ đó ngài càng không muốn gặp mặt hoàng hậu Pha Luông.
Biết bên mình còn có nhiều phần tử không tốt, nhưng vua Chey đành làm ngơ. Ngài không dám dồn họ vào đường cùng. Ngài sợ nếu hành động không khéo léo có thể làm vua Xiêm nổi giận. Tuy nhà vua khá tin tưởng sức mạnh của Thuận Hóa nhưng ngài cũng thấy được Thuận Hóa đang có một kẻ thù khác gườm sẵn bên cạnh. Khi hữu sự, Thuận Hóa chưa chắc đã rảnh tay để giúp ngài được. Rốt cục, nhà vua chỉ biết đốc thúc theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng liên can để đề phòng chuyện bất trắc mà thôi.
Sau khi sắp xếp mọi việc, vua Chey lại ngự đến Tả cung thăm hoàng hậu Ngọc Vạn. Nhà vua suýt soa nói:
. Lạy trời, thiếu chút nữa là trẫm không còn gặp mặt ái khanh! Giờ đây sức khỏe hậu ra thế nào? Tinh thần hậu đã định tĩnh chưa?
Hoàng hậu Ngọc Vạn ôm lấy nhà vua, òa khóc nức nở:
. Nếu không có âm đức của bệ hạ hộ trì, biết đâu giờ này thiếp đã phơi xác trong rừng cho chim thú rúc rỉa!
Vua Chey an ủi:
. Thôi, đừng khóc nữa, tai qua nạn khỏi rồi! Trẫm xin lỗi đã bất lực để cho khanh phải chịu những giây phút hãi hùng như thế.
Hoàng hậu Ngọc Vạn vẫn tiếp tục khóc:
. Thiếp đã biết trước sự cố tất phải xảy ra, thế mà không cách nào đề phòng được!
Vua Chey lộ vẻ ngạc nhiên:
. Thật thế ư? Do đâu khanh biết trước sự cố ấy tất phải xảy ra?
Hoàng hậu Ngọc Vạn thưa:
. Nói chuyện này ra không biết bệ hạ có chịu tin cho không. Một đêm kia, thiếp mộng thấy một vị tiên hiện xuống bảo: “Nương nương, người hiện đang hoài thai, hãy khá giữ gìn cẩn thận, coi chừng một người đàn bà bụng dạ nhỏ nhen có thể hại tánh mạng mẹ con người!”. Ban đầu thiếp chỉ cho đó là một giấc mơ nhảm nhí. Nhưng mấy ngày sau thiếp cảm thấy mình có triệu chứng hoài thai thật. Vì thế, thiếp nghi sợ lời vị tiên báo cho trong mộng là đúng. Đến nỗi thời gian gần đây thiếp không hề dám la mắng những thị tì có lỗi. Có lẽ vì thiếp giữ gìn quá cẩn thận nên người đàn bà nào đó không hại được thiếp, lại xui ra bọn thảo khấu hại thiếp!