Trước đây, hai vị đặc sứ của Thuận Hóa là Nguyễn Hữu Luân và Lê Sáng được vua Chey cấp cho một khu đất ở ngoại ô kinh thành để xây dựng nơi ăn ở và làm việc, gọi là Đại Việt doanh. Sau này, hoàng hậu Ngọc Vạn còn xin cho họ lập một xưởng thợ cạnh nơi đó để số nhân viên tùy tùng trau dồi nghề nghiệp trong những khi rảnh rỗi, hầu giúp mọi người kiếm thêm chút lợi tức cũng như gây chút quĩ phòng hờ chi dụng khi cần thiết. Nhờ sự điều hành khéo léo của quan đặc sứ Nguyễn Hữu Luân, xưởng thợ mỗi ngày mỗi tiến triển, kết quả thâu đạt cũng khả quan.
Khi Đại Việt doanh được xây cất xong, quan đặc sứ Nguyễn Hữu Luân chọn ngày tốt, chuẩn bị một buổi lễ khánh thành khá long trọng. Ông gởi thiệp mời vua và hoàng hậu cùng nhiều nhân vật quan trọng trong triều đình Chân Lạp đến dự.
Nhưng ngày khánh thành ấy lại nhằm vào thời gian vua Chey đang bệnh nặng nên ngài không thể đến dự được. Theo lệ thường thời bấy giờ, vua và hoàng hậu Chân Lạp vẫn hay đi dự lễ khánh thành một ngôi chùa lớn, một ngọn tháp thờ của một tôn giáo, một ngôi nhà làm việc của một bộ phận trong chính phủ mới xây cất... Nếu vì lẽ gì vua không đến dự được, ngài cử một viên đại thần thay mặt mình đến dự.
Trong trường hợp này, có lẽ vì Đại Việt doanh liên can mật thiết với hoàng hậu Ngọc Vạn, hoặc vì những mâu thuẫn ý kiến trong buổi chầu có vụ tranh luận gây cấn trước đây, vua Chey không cử đại thần nào mà lại cử hoàng hậu Ngọc Vạn đại diện cho mình. Thế là hoàng hậu vui vẻ chuẩn bị sẵn mấy món lễ vật để đi mừng.
Đúng ngày lễ khánh thành, vua cho một đội lính ngự lâm do viên đội trưởng Đậu Sâm chỉ huy hộ tống hoàng hậu Ngọc Vạn đến Đại Việt doanh. Hoàng hậu đi bằng kiệu do đội kiệu phu riêng khiêng, chỉ đem theo năm nàng thị nữ để sai khiến.
Đoạn đường từ hoàng thành đến Đại Việt doanh phải đi qua một rừng cây thốt nốt rậm rạp. Kiệu hoàng hậu đang qua nửa cánh rừng bỗng bị một toán người lạ mặt sử dụng dao búa thình lình ào ra tấn công dữ dội. Ngay phút đầu, bọn người lạ mặt đã hạ sát ngay hết mấy kiệu phu và mấy thị nữ. Kiệu hoàng hậu bị lật xuống bên đường. Đội lính ngự lâm chống cự dũng mãnh nhưng cũng bị cắt ra làm đôi. Hoàng hậu không còn ai bảo vệ kịp, bị hai tên giặc nhảy tới bắt nhét khăn vào miệng và lôi bừa bà chạy vào rừng. Trong cơn kinh hãi đến tột độ, hoàng hậu bỗng nghe một tiếng thét:
. Bọn nghịch tặc chớ lộng hành!
Hoàng hậu thấy một tráng sĩ bịt mặt cao lớn dũng mãnh nhảy tới đưa ngang một lát kiếm, một trong hai tên bắt bà liền gục xuống. Tên còn lại vội buông bà ra để chống cự. Người kia nói lớn:
. Hoàng hậu chớ sợ! Bà hãy tạm ở đó đợi tôi bắt sống tên này đã!
Hoàng hậu Ngọc Vạn nghe giọng nói hình như quen quen. Chỉ trong chốc lát, tên giặc còn lại đã bị tráng sĩ đánh ngất đi. Chàng rút trong túi ra một sợi dây để trói hắn lại. Hoàng hậu mừng rỡ nhưng vẫn còn run lập cập nói với tráng sĩ:
. Cám ơn tráng sĩ đã cứu mạng! Xin tráng sĩ vui lòng cho biết phương danh!
Chàng tráng sĩ bỗng lật tấm khăn bịt mặt của mình ra. Hoàng hậu thảng thốt bất giác kêu lên bằng tiếng Đại Việt:
. Trời ơi, Đình Huy chàng!
Tráng sĩ cũng nói bằng tiếng Đại Việt, chỉ đủ cho hoàng hậu nghe:
. Ấy chớ! Hãy đề phòng tên này. Phải đem nó về tra hỏi cho ra những kẻ đồng lõa trong cuộc bạo loạn hôm nay! Hoàng hậu hãy đi theo tôi, phải gởi nó cho đội lính ngự lâm.
Hoàng hậu hỏi Đình Huy:
. Làm sao chàng biết được thiếp lâm nguy ở đây mà đến cứu?
Tráng sĩ nói:
. Hoàng hậu không biết đó chớ từ sau buổi chầu mà hoàng thượng định cho phép di dân Đại Việt thành lập các đội võ trang tự vệ thì bọn người thân Xiêm liền ráo riết vận động đảo chánh lật đổ hoàng thượng đấy. Hoàng thượng lâm bệnh gần cả tháng nay đúng là cơ hội ngàn vàng của chúng. Cũng may, chúng còn ngại sự có mặt của hoàng hậu và chưa nắm vững nhân sự nên chưa dám ra tay. Chính hôm nay chúng muốn triệt hạ hoàng hậu trước đó. Chúng tôi còn tóm được mấy tên khác nữa, coi chừng kẻo chúng trốn hoặc tự tử là mất manh mối! Phải khai thác thật kỹ mà trừ tiệt gian đảng đi! Hoàng hậu cứ coi như không biết gì về vụ can thiệp của người mình vào chuyện này kẻo nhà vua có thể sinh ra điều nghi ngờ không hay.
Hoàng hậu còn bàng hoàng muốn hỏi nữa nhưng tráng sĩ đã vác tên giặc bị bắt lên vai và vẫy tay nói:
. Muộn rồi, xin hoàng hậu hãy gắng theo tôi!
Khi ra tới đường cái, tráng sĩ quăng tên tù xuống đất, nhìn trước nhìn sau rồi nói:
. Chuyện tạm yên rồi, sẽ có người tới đưa hoàng hậu về. Hoàng hậu hãy bảo trọng, xin tạm biệt!
Nói xong, tráng sĩ biến nhanh vào rừng thốt nốt. Hoàng hậu Ngọc Vạn thẫn thờ nhìn theo rồi thốt lên: “Đình Huy chàng ôi! Tại sao chàng không thong thả một chút?”
Liền khi đó, Đậu Sâm cùng mấy tên lính ngự lâm chạy lại quì xuống trước mặt hoàng hậu:
. Chúng thần làm nhiệm vụ bảo vệ không tròn để cho hoàng hậu phải kinh hãi thật đáng tội chết! Cúi xin hoàng hậu tha tội!
Hoàng hậu an ủi:
. Bọn nghịch tặc hung dữ xuất hiện bất ngờ quá làm sao các ngươi đề phòng kịp! Hãy đem tên này về cho triều đình điều tra để tìm manh mối lũ phản nghịch! Chúng ta thiệt hại nhân mạng có nhiều không? Các ngươi có bắt được tên nào nữa không?
Đậu Sâm thưa:
. Bẩm hoàng hậu, có ba kiệu phu, hai thị nữ, hai lính ngự lâm, cả thảy bảy người bị giết. Ba kiệu phu, ba lính ngự lâm và hai thị nữ khác bị thương. Bọn giặc chết hơn hai mươi đứa, còn bao nhiêu chạy thoát cả. Chúng thần có bắt sống được hai tên nữa đang trói ở đằng kia. Bọn giặc hung dữ lắm, nhưng may có một bọn dũng sĩ bịt mặt thình lình xuất hiện tiếp tay cho chúng thần, nếu không, có lẽ chúng thần bị thảm bại mất!
Hoàng hậu nói:
. Thôi, chúng ta thu xếp mà trở về. Hãy cẩn thận coi chừng mấy tên tù và lo gấp cho những người bị thương. Còn những người không may thiệt mạng thì người của triều đình sẽ đến lo tính bây giờ.
*
Buổi sáng ấy, tại Đại Việt doanh, hai ông Nguyễn Hữu Luân và Lê Sáng đã niềm nỡ đón tiếp nhiều vị quan khách Chân Lạp. Đã tới giờ ấn định cử hành lễ vẫn chưa thấy hoàng hậu Ngọc Vạn, vị khách danh dự, đại diện cho vua Chân Lạp đến. Chính sứ giả của nhà vua đã thông báo việc hoàng hậu Ngọc Vạn sẽ thay mặt nhà vua trong lễ khánh thành này cho quan đặc sứ Nguyễn Hữu Luân, làm sao có thể sai hẹn được! Thời gian cứ trôi qua, trôi qua! Cử tọa mỗi lúc mỗi bồn chồn nôn nóng, bàn tán xôn xao. Quan phó tướng Lê Sáng nóng ruột bèn sai hai binh sĩ cỡi ngựa đi thăm dò tin tức. Sau đó, hai kỵ binh được sai đi phi ngựa nhanh như gió trở về báo:
. Bẩm đại quan, hoàng hậu Ngọc Vạn trên đường đến dự lễ khánh thành Đại Việt doanh đã bị bọn thảo khấu phục kích tấn công!
Các quan Đại Việt cũng như Chân Lạp đều hoảng hốt nhốn nháo hỏi:
. Thế hoàng hậu có sao không? Bây giờ ngài đang ở đâu?
. Bẩm, nhờ phước đức hoàng thượng, hoàng hậu may mắn được bảo vệ an toàn và đã trở về hoàng cung. Đội lính ngự lâm hộ tống hoàng hậu đã anh dũng đánh tan tác bọn giặc. Hơn hai mươi tên giặc bị giết, ba tên bị bắt sống đã giải về để điều tra.
Viên đại thần Nôn San vừa nghe hai tên lính báo xong, mặt xanh như tàu lá, ông nắm lấy vai người lính giật giật mấy cái mà hỏi:
. Chính tai mi nghe rõ như thế chứ? Mi có thấy gì không? Hoàng hậu thoát được tai nạn trở về bình yên thật chứ?
. Dạ bẩm, con nghe nhiều người nói như thế.
Quan đặc sứ Nguyễn Hữu Luân nghe báo xong, lật đật bước ra xin lỗi quan khách:
. Kính thưa quí vị quan khách, đáng lẽ chúng tôi làm lễ khánh thành cho Đại Việt doanh hôm nay, nhưng đáng tiếc, một sự cố bất ưng to lớn đã xảy ra. Chúng tôi cũng như quí ngài đâu còn bụng dạ nào để tiếp tục dự lễ khánh thành nữa! Chắc chắn quí ngài lúc này ai cũng nóng ruột và cần thì giờ để lo những việc cần kíp khác. Vả lại, nếu chúng ta vui vẻ trong lúc này là mang tội với triều đình, với nhà vua và nhị vị hoàng hậu. Vậy, chúng tôi kính xin lỗi quí vị quan khách được tạm đình hoãn lại việc này. Hẹn sẽ mời quí vị trở lại trong một dịp thuận tiện khác!
Thế là chủ khách chia tay, các quan hấp tấp kéo nhau ra về.
*
Cái hung tin về một nhóm nghịch tặc dám phục kích tấn công Tả hoàng hậu làm cho vua Chey giận điên lên. Dù trời đã chiều và bệnh chưa lành hẳn, nhà vua cũng gượng dậy ra triều đường làm việc. Nhà vua hỏa tốc xuống lệnh cho hoàng thân Nặc Nậu, đại thần Mông Cun và đại thần Nôn San lập tức mở phiên họp tìm cách điều tra mấy tên tội phạm.
Nhận được lệnh vua, hoàng thân Nặc Nậu và đại thần Mông Cun liền đến công đường ngay. Riêng viên đại thần Nôn San không thấy đâu hết.
Đợi đại thần Nôn San mãi vẫn bặt tăm hơi, hai ông Nặc Nậu và Mông Cun bèn cho người đến tư dinh ông này để hỏi. Người nhà Nôn San cho biết ông đã đi dự lễ khánh thành Đại Việt doanh từ buổi sáng và giờ này vẫn chưa thấy về.
Vậy là hai ông Nặc Nậu và Mông Cun bèn một mặt cho người trình lên vua việc ấy, mặt khác, phối hợp với nhau tiến hành công việc được vua giao phó.
Nhờ khai thác những bằng chứng qua sự nhận diện các xác chết và sự tra vấn ba tên giặc bị bắt sống, triều đình Chân Lạp đã biết được âm mưu phản nghịch ấy do chính viên đại thần Nôn San cầm đầu.
Nôn San đã lợi dụng cơ hội vua Chey đau nặng, chỉ huy đồng đảng cố tranh thủ thời gian hoạt động ráo riết nhằm mục đích lật đổ ngài. Chúng tuyên truyền vua Chey quá đắm say sắc đẹp của hoàng hậu Ngọc Vạn cho nên đã bị Thuận Hóa xỏ mũi bảo gì làm nấy. Chúng cố tình bắt cóc hoàng hậu Ngọc Vạn để đặt điều kiện với vua Chey hoặc giết đi để gây mâu thuẫn giữa Oudong và Thuận Hóa. Nôn San đã tuyển lựa được một đội cảm tử gần năm mươi tên để thực hiện cuộc phục kích này. Ông cầm chắc họ dư sức áp đảo làm tê liệt đội lính ngự lâm của nhà vua trong chốc lát. Không ngờ sự xuất hiện đột ngột của nhóm dũng sĩ lạ mặt đã làm cho tình thế hoàn toàn bị đảo ngược.
Hôm ấy Nôn San đến dự lễ khánh thành Đại Việt doanh với lòng khấp khởi vui sướng. Ông chỉ đợi cái tin hoàng hậu Ngọc Vạn bị toán người lạ bắt cóc loan ra và triều đình hoảng hốt rối loạn là tùy cơ ứng biến hành động. Trong khi mọi người hồi hộp trông ngóng hoàng hậu Ngọc Vạn từng phút thì Nôn San thoải mái tủm tỉm cười thầm. Tới khi hai tên kỵ binh của phó tướng Lê Sáng báo tin biến cố đã xảy ra một cách rõ ràng ông vẫn còn ngỡ ngàng chưa tin rằng mình đã thất bại. Nôn San cẩn thận hỏi kỹ càng từng tên lính do thám xong mới chịu tin. Thế là ông không dám về nhà nữa. Lợi dụng lúc mọi người đang xôn xao chộn rộn, ông một mình một ngựa tìm đường trốn sang Xiêm.
Nôn San đã cầm đầu tổ chức phản nghịch ấy với sự bảo trợ của người Xiêm. Tại triều đình Chân Lạp cũng còn có khá nhiều nhân vật lớn nhỏ liên hệ với Nôn San. Để gây thêm thanh thế và cô lập hoàng hậu Ngọc Vạn, phe Nôn San còn tìm cách liên kết với hoàng hậu Pha Luông nữa. Không biết có hưởng ứng âm mưu đảo chánh không, nhưng vì thù ghét hoàng hậu Ngọc Vạn, hoàng hậu Pha Luông không ngần ngại mạt sát thậm tệ bà này. Vụ việc ấy cuối cùng cũng lọt đến tai vua Chey làm cho ngài giận lắm. Từ đó ngài càng không muốn gặp mặt hoàng hậu Pha Luông.
Biết bên mình còn có nhiều phần tử không tốt, nhưng vua Chey đành làm ngơ. Ngài không dám dồn họ vào đường cùng. Ngài sợ nếu hành động không khéo léo có thể làm vua Xiêm nổi giận. Tuy nhà vua khá tin tưởng sức mạnh của Thuận Hóa nhưng ngài cũng thấy được Thuận Hóa đang có một kẻ thù khác gườm sẵn bên cạnh. Khi hữu sự, Thuận Hóa chưa chắc đã rảnh tay để giúp ngài được. Rốt cục, nhà vua chỉ biết đốc thúc theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng liên can để đề phòng chuyện bất trắc mà thôi.
Sau khi sắp xếp mọi việc, vua Chey lại ngự đến Tả cung thăm hoàng hậu Ngọc Vạn. Nhà vua suýt soa nói:
. Lạy trời, thiếu chút nữa là trẫm không còn gặp mặt ái khanh! Giờ đây sức khỏe hậu ra thế nào? Tinh thần hậu đã định tĩnh chưa?
Hoàng hậu Ngọc Vạn ôm lấy nhà vua, òa khóc nức nở:
. Nếu không có âm đức của bệ hạ hộ trì, biết đâu giờ này thiếp đã phơi xác trong rừng cho chim thú rúc rỉa!
Vua Chey an ủi:
. Thôi, đừng khóc nữa, tai qua nạn khỏi rồi! Trẫm xin lỗi đã bất lực để cho khanh phải chịu những giây phút hãi hùng như thế.
Hoàng hậu Ngọc Vạn vẫn tiếp tục khóc:
. Thiếp đã biết trước sự cố tất phải xảy ra, thế mà không cách nào đề phòng được!
Vua Chey lộ vẻ ngạc nhiên:
. Thật thế ư? Do đâu khanh biết trước sự cố ấy tất phải xảy ra?
Hoàng hậu Ngọc Vạn thưa:
. Nói chuyện này ra không biết bệ hạ có chịu tin cho không. Một đêm kia, thiếp mộng thấy một vị tiên hiện xuống bảo: “Nương nương, người hiện đang hoài thai, hãy khá giữ gìn cẩn thận, coi chừng một người đàn bà bụng dạ nhỏ nhen có thể hại tánh mạng mẹ con người!”. Ban đầu thiếp chỉ cho đó là một giấc mơ nhảm nhí. Nhưng mấy ngày sau thiếp cảm thấy mình có triệu chứng hoài thai thật. Vì thế, thiếp nghi sợ lời vị tiên báo cho trong mộng là đúng. Đến nỗi thời gian gần đây thiếp không hề dám la mắng những thị tì có lỗi. Có lẽ vì thiếp giữ gìn quá cẩn thận nên người đàn bà nào đó không hại được thiếp, lại xui ra bọn thảo khấu hại thiếp!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét