Thứ Năm, 16 tháng 8, 2007

CHƯƠNG 15 (Ngọc Vạn)

Sau khi nghe phó tướng Lê Sáng tường trình về việc đánh giặc Xiêm xong, hoàng hậu Ngọc Vạn vào yết kiến vua Chey Chetta II. Vua Chey hỏi:

. Hoàng hậu có việc gì muốn nói chăng?

Hoàng hậu tâu:

. Chắc bệ hạ đã được nghe hoàng thân Nặc Bính tâu trình mọi sự trong trận chiến vừa rồi? Theo thiếp biết, sở dĩ quân Xiêm thua sớm cũng nhờ sự chiến đấu dũng mãnh của đội quân Đại Việt. Cứ thử hỏi, nếu không có quân Đại Việt lâm chiến, chiến cuộc bây giờ chưa biết ngã ngũ ra sao? Người Xiêm chịu thua sớm vì họ thấy bóng quân Đại Việt nhưng họ không hề biết quân Đại Việt tham chiến nhiều hay ít. Nếu lỡ một mai, người Xiêm dò biết được quân Đại Việt ở đây chỉ có một nhóm nhỏ nhất định họ không dễ dàng rút lui như thế đâu! Vậy, bệ hạ ngần ngại gì nữa mà không cho phép người Việt lập ra những đội võ trang tự vệ? Khi cần, bệ hạ chỉ ra một lệnh họ sẽ tập trung ngay dưới cờ. Thiếp xin bệ hạ chuẩn bị trước là hay hơn, không nên chờ nước đến chân mới nhảy.

Vua Chey phân trần:

. Như hậu biết đó, ta đã muốn cho người Việt di dân lập những đội võ trang tự vệ ngay từ khi hậu mới đề nghị. Nhưng hầu hết các quan đều chống lại ý muốn của ta, ta biết làm sao! Làm cho hậu buồn ta cũng khổ lắm chứ! Hậu hãy ráng đợi một thời gian nữa, thế nào ta cũng ráng lo cho xong chuyện ấy!

Hoàng hậu lại thưa:

. Bệ hạ là chủ của đất nước, người khác đâu có thể lo cho đất nước bằng bệ hạ? Họ nghi ngờ người Việt là phải, vì họ với người Việt chỉ là người dưng nước lã. Còn bệ hạ là rể triều đình Thuận Hóa, hoàng tử To là cháu của chúa Thuận Hóa. Người Việt vốn trọng đạo nghĩa, rất nặng tình gia tộc, nếu bệ hạ hoặc con cháu bệ hạ lâm nguy há Thuận Hóa nỡ lòng làm ngơ sao? Hơn nữa, một vị vua như bệ hạ cũng có lúc cần phải cứng rắn để thể hiện uy quyền của một ông vua chứ!

Vua Chey nói:

. Được rồi! Trẫm cũng biết trong trận đánh ở biên giới vừa rồi chính nhờ sức quân Việt mà Chân Lạp thắng được giặc Xiêm dễ dàng. Trẫm sẽ xuống chiếu cho phép cộng đồng người Việt di dân thành lập những toán võ trang tự vệ theo sự yêu cầu của họ. Tuy nhiên, trẫm muốn họ phải chấp hành mọi thứ kỷ luật như quân đội Chân Lạp. Khi nhà nước Chân Lạp cần điều động làm việc gì họ phải thi hành ngay. Hoàng hậu thấy như thế có gì trở ngại không?

Hoàng hậu thưa:
. Muôn tâu, người Việt di dân đã núp bóng, đã chịu ân sủng to lớn của bệ hạ như thế lẽ nào họ lại không tận tụy hết lòng vì bệ hạ khi bệ hạ cần tới họ!

Dĩ nhiên trong triều đình Chân Lạp vẫn có nhiều người rất lo ngại về một mối họa phát sinh từ người Việt. Nhưng trước ảnh hưởng quá lớn của hoàng hậu Ngọc Vạn, và nhất là sự hiện diện cần thiết của người Việt như trong trận chiến vừa qua, họ đành làm ngơ không dám ngăn trở nữa.

Thế là những đội võ trang tự vệ của người Việt trên đất Thủy Chân Lạp ra đời.

Không có nhận xét nào: